Trong nền kinh tế tuyến tính truyền thống, các nhà sản xuất khai thác tài nguyên thiên nhiên để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ. Sau đó, phế thải từ sản xuất và tiêu dùng bị đưa đi chôn lấp, thậm chí là thải ra môi trường tự nhiên.
Ngược lại, nền kinh tế tuần hoàn chính là một giải pháp thay thế bền vững cho mô hình nói trên. Trong nền kinh tế này, các nhà sản xuất chú trọng kéo dài thời hạn và tận dụng tối đa giá trị sử dụng của tài nguyên, sau đó quản lý và tái tạo những sản phẩm và tài nguyên này vào cuối vòng đời sử dụng.
Như vậy, mô hình kinh tế tuần hoàn có khả năng giúp giảm phát thải, thúc đẩy sử dụng hiệu quả tài nguyên, góp phần giải quyết các vấn đề về khan hiếm và bảo tồn tài nguyên và hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế.
Tái tạo, tái chế sản phẩm cuối vòng đời sử dụng là yếu tố quan trọng của kinh tế tuần hoàn. Ảnh: WSP |
Tại hội thảo "Mô hình kinh tế tuần hoàn với vai trò thúc đẩy tăng trưởng liên ngành hiệu quả" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam (VBCSD) và Bộ Tài nguyên Môi trường tổ chức mới đây, các chuyên gia đồng thuận rằng, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn chính là công thức tăng trưởng bền vững mà doanh nghiệp Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc.
Theo nghiên cứu của Accenture Strategy, mô hình kinh tế tuần hoàn có thể mở ra cơ hội thị trường trị giá lên tới 4.500 tỷ USD và tạo ra hàng triệu việc làm cho nền kinh tế toàn cầu vào năm 2030. Nhiều tập đoàn lớn đã và đang triển khai hướng tới kinh tế tuần hoàn trong tổ chức.
Ví dụ, IKEA cam kết ứng dụng hoàn toàn mô hình kinh tế tuần hoàn vào 2030, Lego hướng đến dùng nhựa thực vật, Carlsberg cải thiện giải pháp đóng gói giảm dùng nhựa. Tại Schneider Electric, các hoạt động kinh tế tuần hoàn chiếm 12% doanh thu và dự kiến tiết kiệm 100.000 tấn tài nguyên giai đoạn 2018-2020. Tuy nhiên, kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam chỉ mới phổ biến ở các doanh nghiệp lớn.
"Mặc dù khái niệm nền kinh tế tuần hoàn đã bắt đầu trở nên phổ biến ở Việt Nam, việc ứng dụng mô hình vào thực tiễn vẫn còn rất hạn chế, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ," Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký VCCI, kiêm Tổng thư ký VBCSD nhận xét.
Thực tế, những điển hình về áp dụng kinh tế tuần hoàn trong doanh nghiệp hay được nhắc đến chủ yếu là các doanh nghiệp lớn. Ví dụ như Unilever với chương trình thu gom tái chế bao bì nhựa và phân loại rác tại nguồn; Coca Cola với chương trình thu gom, phân loại chai nhựa. Đây cũng là hai đơn vị nòng cốt trong sáng kiến "Zero Waste to Nature" trong khuôn khổ dự án Trung tâm Kinh tế tuần hoàn (VCCE) chủ trì bởi VBCSD.
Hồ cá dùng nước thải sau xử lý tại nhà máy bia của Heineken Việt Nam. |
Hay như Heineken Việt Nam, đơn vị công bố đã có gần 99% phế thải hoặc phụ phẩm được tái sử dụng hoặc tái chế, 4 trên 6 nhà máy bia sử dụng nhiệt năng từ năng lượng tái tạo và nhiên liệu sinh khối, không phát thải các-bon.
"Các dự báo đã chỉ ra rằng đến năm 2050 thì lượng rác thải sẽ nhiều hơn lượng cá trên đại dương. Đây là những điều cần suy nghĩ không chỉ với doanh nghiệp mà mỗi cá nhân. Trong các cách thức đến hiện tại, dường như khả thi hàng đầu là giải quyết bằng kinh tế tuần hoàn", bà Lê Thị Ngọc Mỹ - Giám đốc Phát triển Bền vững Heineken Việt Nam.
Theo các chuyên gia, thay vì phải đưa ra giải pháp mới, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham khảo và áp dụng một cách sáng tạo những bài học kinh nghiệm đã thành công trong việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn.
Trong đó, một số trọng tâm cần lưu ý bao gồm: thay đổi tư duy từ kinh tế tuyến tính sang tuần hoàn; xem rác thải là nguồn nguyên liệu mới để sản xuất; học hỏi khả năng tái tạo và tuần hoàn của thiên nhiên; nhận thức mọi tài nguyên đều giới hạn để sản xuất dựa trên giới hạn đó; ý thức về cộng sinh công nghiệp, sử dụng năng lượng tái tạo, sản xuất sạch hơn...
Ở cấp độ vĩ mô, Việt Nam đã có những chính sách để tạo điều kiện cho kinh tế tuần hoàn. Từ năm 2016, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động quốc gia về Sản xuất và Tiêu dùng bền vững (SCP). Năm 2017, Thủ tướng cũng đã phê duyệt Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025 nhằm hình thành nên ngành Công nghiệp môi trường, có thể đáp ứng được các nội dung của nền kinh tế tuần hoàn.
Hiện nay Bộ Công Thương cũng đang dự thảo Chương trình hành động Quốc gia về SCP với các giải pháp, quan điểm của kinh tế tuần hoàn để thực hiện trong giai đoạn 2021-2030.
Ở cấp độ địa phương, TP HCM đã đặt ra hàng loạt mục tiêu như đến 2020 giảm 60% lượng túi nilon khó phân hủy tại siêu thị, trung tâm thương mại và 50% tại chợ truyền thống; năng lượng tái tại và năng lượng mới sẽ đạt 1,7% tổng công suất năng lượng. Cùng với đó, việc di dời cơ sở sản xuất ô nhiễm trong khu dân cư vẫn đang diễn ra.
"Thành phố bố trí mặt bằng để các cơ sở di dời về các khu công nghiệp tập trung. Trong đó, khu công nghiệp Lê Minh Xuân 2 đã cho thuê được 90%, khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3 đang cho thuê. Sắp tới, Thành phố sẽ quy hoạch thêm 2 khu công nghiệp nữa với tổng diện tích tầm 700 ha", đại diện sở Tài Nguyên - Môi trường TP HCM cho biết tại hội thảo.
Viễn Thông